May 31, 2016

Những con số ấn tượng về siêu vũ khí điện từ của Mỹ

Những con số ấn tượng về siêu vũ khí điện từ của Mỹ
Pháo điện từ cần nguồn điện có công suất 25 MW đủ cung cấp cho 18.750 hộ gia đình. Đầu đạn bắn ra từ pháo có thể xuyên qua 7 tấm thép dày mà không cần thuốc nổ. Pháo ray điện từ khai hỏa trong một thử nghiệm. Ảnh: Hải quân Mỹ
Tiếng còi báo động vang lên xuyên qua các hầm bê tông tại Dahlgren – một cơ sở bí mật của Hải quân Mỹ, nơi đây các kỹ sư, quan chức quân đội Mỹ chuẩn bị thử nghiệm một loại siêu vũ khí mới. Các quan chức chăm chú vào màn hình video để có cái nhìn đầu tiên về siêu vũ khí có thể bắn đi viên đạn nặng 11,3 kg xuyên qua 7 tấm thép và để lại lỗ có đường kíh 127 mm.
Vũ khí này được gọi là pháo ray điện từ, nó không cần thuốc phóng để đẩy đầu đạn đi như pháo thông thường. Pháo được trang bị 2 thanh ray đặt song song nhau và ứng dụng nguyên lý đảo chiều từ trường để đẩy đầu đạn đi với tốc độ của một thiên thạch đang lao xuống trái đất.
Với pháo thông thường, đầu đạn mất vài giây để tăng tốc sau khi thuốc phóng bị đốt cháy trong buồng đạn. Pháo ray điện từ tăng tốc nhanh hơn khi đầu đạn trượt dọc theo 2 thanh ray có chiều dài 9,7 m với sơ tốc đầu nòng lên đến 7.242 km/h.
Hải quân Mỹ phát triển pháo ray điện từ khoảng một thập kỷ trước và đã chi hơn 500 triệu USD cho dự án. Phòng Khả năng Chiến lược, Lầu Năm Góc đang đầu tư thêm 800 triệu USD để phát triển khả năng phòng thủ tên lửa cũng như tích hợp pháo hiện có thành siêu vũ khí điện từ công nghệ cao.
Cần nguồn điện cực lớn
Pháo ray điện từ hoạt động theo nguyên lý đảo chiều từ trường để tạo ra lực đẩy điện từ đẩy đầu đạn đi với tốc độ chóng mặt. Đầu đạn phá hủy mục tiêu nhờ vào động năng của vụ va chạm ở tốc độ siêu thanh mà không cần đến thuốc nổ. Tuy nhiên, để tạo ra lực đẩy điện từ đủ mạnh cần nguồn điện có công suất tới 25 MW. Nguồn điện này đủ cung cấp cho 18.750 hộ gia đình.
Nguồn điện trở thành một rào cản kỹ thuật trong quá trình phát triển pháo ray điện từ. Hầu hết các thử nghiệm pháo ray điện từ đều diễn ra ở phòng thí nghiệm, nơi có kết nối với hệ thống điện lưới quốc gia. Việc triển khai pháo ray điện từ gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn cung điện đủ mạnh.
Hiện tại, chỉ tàu khu trục Zumwalt có nguồn cung điện đủ mạnh để lắp pháo ray điện từ trong tương lai. Gần đây, tập đoàn Raytheon đã chế tạo thành công module cung cấp xung điện công suất cao (PPC) ở dạng container lưu động.
Container chứa các tụ điện có thể hoạt động như một ắc quy khổng lồ. Mỗi module có thể phóng luồng điện có công suất 18 kW cho mỗi lần bắn. Nó có thể cung cấp năng lượng cho 10 lần bắn. Ưu điểm của PPC là có thể sạc lại rất nhanh để duy trì năng lượng cho pháo ray điện từ hoạt động liên tục
Một thách thức khác là độ bền khi hoạt động, mỗi lần bắn, pháo ray điện từ tạo ra nhiệt lượng rất lớn có thể làm biến dạng đường ray. Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (Star Wars) sử dụng pháo điện từ để bắn hạ tên lửa hạt nhân những năm 1980 phải hủy bỏ vì rào cản công nghệ.
Hiện tại, các kỹ sư hải quân tin rằng, những tiến bộ về vật liệu sẽ giúp họ sớm chế tạo thành công pháo ray điện từ có thể bắn 10 phát/phút, độ bền 1.000 lần bắn.
Vũ khí thay đổi cuộc chơi
“Điều này sẽ thay đổi cách chúng ta chiến đấu”, Chuẩn đô đốc Mat Winter, giám đốc Phòng Nghiên cứu Hải quân nói với Wall Street Journal (WSJ). Hải quân Mỹ muốn phát triển pháo ray điện từ như một vũ khí tấn công mạnh mẽ để tiêu diệt tàu chiến, xe tăng, trại của các tổ chức khủng bố. Lầu Năm Góc cũng quan tâm đến vũ khí này nhằm đánh chặn tên lửa đạn đạo với chi phí thấp.
"Trong bối cảnh ngân sách quốc phòng ngày càng giảm gây khó khăn cho Mỹ trong việc duy trì thế trận răn đe chiến lược, thật khó để tưởng tượng về một tương lai mà chúng ta sẽ tái tạo các lực lượng như thời Chiến tranh Lạnh ở châu Âu. Tôi tin rằng, pháo ray điện từ sẽ có chi phí thấp, nhưng có giá trị răn đe rất lớn”, Thứ trưởng Quốc phòng Robert Work – một trong những người ủng hộ dự án nói.
Hiện tại, các loại pháo trang bị trên chiến hạm Mỹ có tầm bắn khoảng 24 km. Những khẩu đại pháo 406 mm trong Thế chiến II có tầm bắn khoảng 39 km và có khả năng xuyên qua lớp bê tông dày 9,1 m. Trong khi đó, pháo ray điện từ có tầm bắn khoảng 200 km với sức xuyên phá gấp 5 lần.
Bên cạnh ưu thế về tốc độ, pháo ray điện từ còn có lợi thế lớn về năng lực tác chiến. Mỗi tàu khu trục điển hình của Mỹ có thể mang theo 96 tên lửa. Trong khi mỗi tàu trang bị pháo ray điện từ có thể mang theo hàng nghìn viên đạn, cho phép tác chiến trong thời gian dài.
Các nhà hoạch định quân sự tin rằng, pháo ray điện từ sẽ hữu ích để bảo vệ lợi ích của Mỹ ở biển Baltic, hay hỗ trợ các đồng minh chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc ở Biển Đông. Bên cạnh chiến đấu thông thường, Lầu Năm Góc muốn ứng dụng pháo ray điện từ cho nhiệm vụ phòng thủ tên lửa.
Lầu Năm Góc đang có kế hoạch phát triển đầu đạn thông minh cho pháo ray điện từ để đánh chặn tên lửa đạn đạo của đối phương. Phòng thủ tên lửa bằng pháo ray điện từ cần ít nhất một thập kỷ nữa để hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật, nhưng các quan chức Lầu Năm Góc tin rằng siêu vũ khí đánh chặn này có thể đưa vào sử dụng sớm hơn.
Đầu đạn của pháo ray điện từ được chế tạo từ vonfram với chi phí từ 25.000-50.000 USD. “Đó là một món hời so với tên lửa đánh chặn trị giá 10 triệu USD”, một quan chức quốc phòng Mỹ nói. Những người ủng hộ dự án pháo ray điện từ nhấn mạnh rằng, vũ khí mới là quân bài chiến lược có thể thay đổi cuộc chơi và giữ cho Mỹ luôn dẫn đầu so với Nga và Trung Quốc.
“Hải quân Mỹ sắp hoàn thành hệ thống chiến thuật, hay vũ khí tấn công thế hệ tiếp theo. Nó có thể làm thay đổi cuộc chơi”, William Roper – Giám đốc Phòng Khả năng Chiến lược Lầu Năm Góc nhấn mạnh.

May 24, 2016

Báo quốc tế xôn xao về bữa bún chả 6 đô của Tổng thống Obama


Nhiều hãng thông tấn, tờ báo lớn đồng loạt đưa tin về bữa tối với món bún chả của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hà Nội.
Ông Obama hôm qua thưởng thức món bún chả tại một quán ăn trên phố Lê Văn Hưu, Hà Nội. Ngồi cùng bàn với Tổng thống Mỹ là người dẫn chương trình, đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain. Truyền thông thế giới đã dành sự quan tâm rất lớn tới bữa ăn có phần đơn giản nhưng đậm chất Việt Nam này.
Hill và Politico là hai trong những trang tin đầu tiên đưa tin về bữa ăn của Tổng thống Mỹ Obama ở Hà Nội.
Theo CNN, sở dĩ cuộc gặp mặt diễn ra là bởi ông Obama đang tham gia ghi hình cho chương trình "Parts Unknown" mùa thứ 8 của vị đầu bếp này, dự kiến phát sóng vào tháng 9 tới.
Bữa tối với Bourdain mang đến cho ông Obama "quãng thời gian thảnh thơi sau khi hoàn thành một lịch trình dày đặc, trong đó có việc tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ đối với Việt Nam", cây bút Gregory Krieg từ CNN viết.
"Đám đông lớn tập trung bên ngoài quán bún chả Hương Liên rồi hò hét, cổ vũ nhiệt tình khi tổng thống bước ra. Ông Obama bắt tay nhiều người và liên tục vẫy chào trước khi bước vào xe", hãng thông tấn AP ghi nhận. Theo hãng này, Tổng thống Mỹ "dường như không muốn lên chiếc limousine" đang chờ sẵn.
Những phóng viên từ nhiều tờ báo, kênh truyền hình lớn như Wall Street Journal, ABC News, Global News, CBS News cũng đồng loạt chia sẻ bức ảnh ông chủ Nhà Trắng đến dùng bữa tại quán bún chả Hà Nội trên mạng xã hội Twitter.
Theo Washington Post, các phóng viên Mỹ trong đoàn truyền thông Nhà Trắng không được phép đi cùng ông Obama và Bourdain vào trong quán nhưng những hình ảnh về bữa ăn đặc biệt này đã nhanh chóng xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện thông tin. Fox News thì trình bày sơ lược cách chế biến bún chả và gọi đây là "một món ăn truyền thống" của Việt Nam.
Đầu bếp Bourdain trong khi đó tỏ ra phấn khích sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ. "Ghế thấp, bún rẻ nhưng ngon, bia lạnh Hà Nội", Telegraph của Anh dẫn lại chia sẻ trên trang Twitter của đầu bếp Bourdain đăng kèm bức ảnh ông ngồi chung bàn với tổng tư lệnh của nước Mỹ.
Theo Bourdain, bữa ăn của ông với Tổng thống Mỹ Obama có giá 6 USD và ông là người nhận trả tiền. Bourdain miêu tả kỹ năng sử dụng đũa của ông Obama "rất tuyệt vời".
Bourdain trò chuyện với ông Obama về mục đích của chuyến thăm cũng như niềm yêu thích của Tổng thống Mỹ đối với người dân, món ăn và văn hóa Việt Nam. Cuộc phỏng vấn này được cho là một phần trong chiến dịch tuyên truyền của Nhà Trắng nhằm mở rộng phạm vi, đối tượng công chúng thông qua những cách thức mới.
Không chỉ là đầu bếp, người dẫn chương trình, Bourdain còn là một nhà văn, ngôi sao truyền hình được nhiều người biết đến. Ông tốt nghiệp Học viện Ẩm thực Mỹ năm 1978 và từng làm bếp trưởng tại nhiều nhà hàng, khách sạn lớn.
Khu vực các phố Thi Sách – Lê Văn Hưu – Ngô Thì Nhậm ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, được phong tỏa và bảo vệ an ninh nghiêm ngặt hơn thường lệ sau thông tin Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đi ăn tối tại đây.
Theo thông báo của Nhà Trắng trước đó, ông Obama dự kiến sẽ dành thời gian để thăm thú, khám phá văn hóa, ẩm thực địa phương.
Chủ quán Hương Liên không giấu được sự phấn khởi khi liên tục cười. Bà cho biết bà vô cùng ngạc nhiên khi ông Obama tới quán ăn. Bà còn được bắt tay ông. Theo chủ quán, tay ông Obama mềm và ấm, nụ cười ông rất đẹp và gần gũi.
Trước câu hỏi "Liệu bà có định đổi tên quán bún chả Hương Liên thành bún chả Obama không?", chủ quán cho biết bà chưa nghĩ tới vì sự việc diễn ra nhanh quá và thương hiệu bún chả nhà bà đã lâu đời.
Tại hiện trường, ông Obama và đoàn tùy tùng đã rời đi được 20 phút nhưng vẫn rất đông phóng viên và người dân tới quán bún chả Hương Liên để xem bà chủ quán trả lời phỏng vấn.
Quán Hương Liên đã hoạt động được khoảng 20 năm, được cư dân mạng đánh giá là có hương vị ngọt ngào và đậm đà của món ngon Hà Nội. Quán ăn được mô tả là sạch sẽ, thoáng mát, không gian rộng và giá cả bình dân.
Với thâm niên trên 20 năm, quán Hương Liên là tiệm bún chả đắt khách quen thuộc với người dân quanh con phố Lê Văn Hưu. Quán bình dân song ưu điểm là sạch sẽ, tác phong phục vụ nhanh nhẹn chuyên nghiệp và đặc biệt, món ăn nơi đây giữ được hương vị đậm chất Hà Thành.

May 22, 2016

Việt Nam sẽ đóng và xuất khẩu tàu chiến


Từ một nước nhập khẩu tàu chiến, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành quốc gia xuất khẩu tàu chiến ra thị trường quốc tế.
Trang Bmpd của Nga ngày 18/5 dẫn nguồn từ trang infodefensa của Venezuela cho biết, cuối tháng 3/2016, tàu tuần tra PV-11 do Nhà máy Damen Sông Cấm, Việt Nam đóng cho Venezuela đã tiến hành chạy thử nghiệm.
Được biết, đây là chiếc đầu tiên trong tổng số 6 chiếc thuộc lớp tàu Stan Patrol 5009 (Spa 5009) do Damen Sông Cấm đóng cho Venezuela đã chạy thử vào tháng 3/2016. Con tàu này đã được hạ thuỷ ngày 23/10/2015.
Damen Sông Cấm ký hợp đồng đóng 6 tàu tuần tra lớp Spa 5009 cho Hải quân Venezuela, hợp đồng ký vào tháng 2/2014 trị giá 126,1 triệu euro (tương đương 176,5 triệu USD). Hai chiếc đầu được khởi đóng vào tháng 4/2015, hai chiếc kế vào tháng 8/2015 và theo kế hoạch 2 chiếc cuối sở khởi đóng trong năm 2016.
Theo những thông tin được công khai, tàu tuần tra lớp SPa 5009 có chiều dài 50,2 m, rộng 9,4 m, tàu được trang bị 4 động cơ Caterpillar C32 giúp tàu đạt tốc độ tối đa tới 42,5 km/h và có hải trình liên tục 30 ngày.
Không chỉ có Damen Sông Cấm, hiện nay Công ty đóng tàu Hạ Long cũng ký hợp đồng thi công 8 tàu chất lượng cao xuất khẩu sang châu Mỹ, châu Âu. Trong đó đã bàn giao 6 tàu (4 tàu chở quân xuất khẩu sang châu Mỹ) trong năm 2015 đúng tiến độ đã ký kết với các chủ tàu.
Được biết, trong năm 2014, công ty đã bàn giao 2 tàu kiểm ngư cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam, bàn giao 4 tàu kéo xuất khẩu sang châu Âu, xà lan cẩu 3216 xuất khẩu sang Australia…
Cùng với các sản phẩm đang thi công hiện nay, công ty tiếp tục hợp tác với Tập đoàn đóng tàu Damen - Hà Lan để triển khai thi công đóng mới các sản phẩm như tàu dịch vụ dầu khí PSV 5000, tàu vận tải xa bờ DCC 7500, Pontoon biển 9127 cỡ lớn...
Thành công lớn nhất là công ty đã ký được bản hợp đồng đóng mới 4 tàu đổ bộ Roro 5612 theo đơn đặt hàng của Hải quân Venezuela. Tháng 11/2014, Công ty đóng tàu Hạ Long đã tổ chức đặt ky tàu chở quân số 3 và số 4 (Roro 5612 - YN 541048 & YN 541051).
Đây là loại tàu đổ bộ/hậu cần do Tập đoàn Damen-Hà Lan thiết kế, cung cấp trang thiết bị và đầu tư tài chính, được đóng mới xuất khẩu cho Venezuela dưới sự giám sát của cơ quan đăng kiểm DV - Pháp.

Tàu đổ bộ/hậu cần Roro 5612 có chiều dài 57,27m, rộng 12m, lượng giãn nước 600 tấn, tốc độ 10,4 hải lý/h. Khác với các tàu đổ bộ thông thường có thể tiến đến sát bờ biển để đổ bộ, tàu Roro 5612 chỉ có khả năng đổ bộ ở trên biển hoặc tại cái vị trí có cầu tàu thích hợp.
Thiết kế của tàu Roro 5612 thích hợp với việc làm tàu vận tải, tiếp tế cho các đảo. Tàu Damen Roro 5612 có thể mang theo các xe thiết giáp lội nước hạng nhẹ, tàu không có khả năng chuyên chở các loại xe tăng hoặc xe bọc thép hạng nặng.
Đặc biệt nhất là tàu Roro 5612 được thiết kế có khả năng chở theo số lượng lớn container. Việc có khả năng chuyên chở các container giúp Roro 5612 có thể mang theo các bệ phóng tên lửa Club-K ngụy trang trong các container giống như container hàng hóa thông thường.
Việc hợp tác với tập đoàn Damen để đóng các tàu đổ bộ Roro 5612 hay các tàu tuần tra còn mở hướng cho công nghiệp đóng tàu Việt Nam phát triển các sản phẩm tàu quân sự như tàu pháo, tàu tên lửa, tàu vận tải…
Không chỉ xuất khẩu tàu tuần tra và tàu vận tải, ngành đóng tàu Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để bán tàu chiến cho khách hàng nước ngoài. Vừa qua, tờ Asia Times hé lộ rằng Philippines sẽ đặt mua một số tàu tuần tra cao tốc do Việt Nam đóng dưới sự hỗ trợ công nghệ của Nga.
Dù không nêu cụ thể loại tàu nào do Việt Nam sản xuất được Philippines quan tâm, nhưng ứng viên sáng giá nhất có lẽ chính là tàu pháo TT-400TP hoặc biến thể tàu tuần tra TT-400 - sản phẩm của Nhà máy Z173 (Công ty Hồng Hà).
Để có thể thâm nhập thị trường nước ngoài tàu TT-400TP được đánh giá không hề thua kém tàu Svetlyak tương tự của Nga về vũ khí, trang bị mà còn vượt trội ở tốc độ cũng như cự ly hành trình. Ngay cả khi so với tàu pháo lớp M-58, được coi là “niềm tự hào” của ngành đóng tàu Thái Lan thì TT-400TP của Việt Nam hơn hẳn về nhiều mặt.
Theo thông tinn được công khai cho thấy, TT-400TP có thiết kế kiểu module, các module độc lập đã lắp đặt sẵn trang thiết bị gần như hoàn chỉnh, được ghép với nhau theo phương thức tổng đoạn. Nhờ đó, tiến độ đóng tàu nhanh và có độ chính xác tuyệt đối.

Báo Mỹ: Washington muốn quay trở lại Cam Ranh

Tờ báo National Interest hôm 8/5 đăng tải nhận định cho rằng, với một lực lượng đã từng nhiều lần xung trận và đang tìm cách phối hợp với các nước khác để cùng hoạt động gần các đảo tranh chấp, Hải quân Việt Nam cũng đã quen với những hành động táo bạo.
Việt Nam hiện đang cho thấy là họ ít có khả năng nhất trong việc nhượng bộ Trung Quốc để thương thuyết tay đôi và từ bỏ nỗ lực tìm giải pháp đa phương cho cuộc tranh chấp.
Tờ báo Mỹ nhận định, quan trọng hơn nhất là Việt Nam có một con át chủ bài ở vị trí chiến lược là căn cứ hải quân Cam Ranh, được coi là một trong những cảng nước sâu tốt nhất trong toàn bộ khu vực Đông Nam Á.
Chuyên gia Yevgen Sautin, từng nghiên cứu tại Đại Học Quốc Gia Đài Loan và trung tâm nghiên cứu Mỹ Carnegie về hòa bình quốc tế phân tích, giá trị chiến lược của cảng này lại được tăng cường nhờ một sân bay lân cận có khả năng tiếp nhận các loại máy bay vận tải hạng nặng và máy bay ném bom chiến lược.
National Interest cho rằng, nếu hải quân một cường quốc lớn được quyền thường xuyên sử dụng Cam Ranh, lực lượng của bất kỳ nước nào khác sẽ khó có thể độc quyền tung hoành trên Biển Đông, ngay cả khi nước đó nắm được quyền kiểm soát hầu hết các đảo đang tranh chấp.
Ứng viên tốt nhất cho cảng Cam Ranh là...
Việt Nam hiện đang thận trọng việc ưu tiên mở cửa cảng cho một cường quốc cụ thể. Giới chức Việt Nam đã rất nhiều lần khẳng định rằng Việt Nam không muốn ký một thỏa thuận quân sự với bất kỳ nước nào muốn sử dụng vịnh Cam Ranh.
Song tờ báo Mỹ cho rằng, câu chuyện có thể thay đổi nếu tình hình Biển Đông xấu đi vì Trung Quốc ngày càng hung hăng.
Khi đó, câu hỏi đặt ra là hải quân nước nào sẽ được Việt Nam ưu tiên mở cửa cảng Cam Ranh? Theo chuyên gia Sautin, hiện có hai ứng viên hàng đầu là Mỹ và Nga, nhưng Mỹ được cho là nặng ký hơn.
Hiện Washington được đánh giá là một đối tác quốc phòng quan trọng, có nhiều uy thế nhất để giúp Việt Nam chống lại đà bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, National Interest nhận xét.
Lợi ích chiến lược về việc mời Mỹ vào Cam Ranh, là sự hiện diện của hải quân Mỹ sẽ hóa giải các lợi thế quân sự mà Trung Quốc có được nhờ các cơ sở mà Bắc Kinh vừa xây dựng và củng cố trên Biển Đông.

Hơn ai hết, Mỹ là nước đầu tiên muốn được quay lại sử dụng Vịnh Cam Ranh. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ với Việt Nam vào năm 1995, quan hệ kinh tế và quốc phòng song phương đã tăng trưởng mạnh mẽ.
Mỹ cũng đã nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam và hiện ở Mỹ, việc ủng hộ xóa bỏ hẳn lệnh cấm này đang rất mạnh mẽ.
Việc cho phép Mỹ được tiếp cận lâu dài với vịnh Cam Ranh sẽ là một sự khẳng định mạnh mẽ tượng trưng cho mối quan hệ đồng minh nảy nở giữa chính quyền Mỹ và Việt Nam.
Mặt khác, nếu Mỹ được tiếp cận tới Cam Ranh, nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng quan hệ với Trung Quốc, và Bắc Kinh hoàn toàn có thể dùng kinh tế để gây khó khăn cho Việt Nam.
Theo chuyên gia Sautin, quyết tâm của Mỹ can dự vào Biển Đông chưa được rõ rệt lắm, nên vẫn còn khiến Hà Nội ngần ngại rằng cái lợi khi mở cảng Cam Ranh đón Mỹ không lớn bằng cái hại nảy sinh.
Bao My: Washington muon quay tro lai Cam Ranh
Tàu khu trục chống ngầm cỡ lớn lớp Udaloy mang tên Marshal Shaposhnikov dẫn đầu đội hình của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga thăm Cam Ranh.
Trong khi đó, theo National Interest, Nga có lẽ là nước thể hiện mong muốn quay trở lại Cam Ranh rõ ràng nhất. Việt Nam đã thuê các chuyên gia Nga trong lần hiện đại hóa cảng Cam Ranh gần đây. Việt Nam cũng cho phép Nga sử dụng sân bay để tiếp nhiên liệu cho máy quân sự của Nga.
Sự hiện diện thường trực ở một căn cứ tại Việt Nam cũng sẽ có ý nghĩa tượng trưng to lớn cho Nga, tương xứng với tham vọng lấy lại thế ảnh hưởng sâu rộng trước đây cũng như đóng vai trò tích cực hơn trên trường quốc tế.
Nga từ lâu đã có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam, cả trong lĩnh vực quân sự. Quân đội Việt Nam vẫn mua chủ yếu vũ khí từ Nga, trong đó bao gồm 6 tàu ngầm lớp Kilo trị giá 2,6 tỉ USD gần đây. Việt Nam cũng ủng hộ hoạt động tích cực hơn của Nga ở vịnh Cam Ranh, ngoại trừ việc sở hữu nó hoàn toàn.

May 17, 2016

Những đặc vụ bảo vệ sát sườn Tổng thống Mỹ


Đơn vị Bảo vệ Tổng thống Mỹ
Các đặc vụ thuộc Đơn vị Bảo vệ Tổng thống Mỹ mang trọng trách đảm bảo an toàn cho người đứng đầu Nhà Trắng bằng mọi giá, dù phải hy sinh cả tính mạng.
Bộ Tài chính Mỹ năm 1865 thành lập Cơ quan Mật vụ nhằm tiến hành những chiến dịch truy quét các tổ chức sản xuất và tiêu thụ tiền giả. Họ sau đó trở thành một nhóm thực thi pháp luật đa mục đích, chuyên điều tra các lĩnh vực mà Cảnh sát Tư pháp Mỹ không có thẩm quyền can thiệp hay thiếu nguồn lực triển khai.
Năm 1901, sau khi tổng thống William McKinley bị ám sát, quốc hội Mỹ ra quyết định điều động Cơ quan Mật vụ đảm nhận trọng trách bảo vệ tổng thống. Từ đó đến nay, họ luôn là một thành phần không thể thiếu trong đội ngũ an ninh hộ tống tổng tư lệnh nước Mỹ. Các nhân viên mật vụ hay PPD đều là những người vô cùng thiện chiến, có kỹ năng chuyên sâu và giàu kinh nghiệm. Họ am hiểu về các loại vũ khí và nắm vững mọi chiến thuật phòng vệ.
Đúng như tên gọi, nhiệm vụ chính của PPD là bảo vệ tổng thống Mỹ cùng gia đình. Tôn chỉ hành động của họ là bảo vệ tổng thống bằng mọi giá, dù có phải hy sinh tính mạng. 

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Grants For Single Moms